Ngày 23/11, trong bài phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson tuyên bố, khối này đã thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt của các nhà cung cấp đáng tin cậy khác. “Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ khí đốt chung và kế hoạch thay thế năng lượng Nga của chúng ta đang tạo ra sự khác biệt. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác”, bà Simson nhận định.
Báo cáo được đưa ra tại phiên họp cho biết, để thay thế dầu nhập qua đường ống của Nga, châu Âu đã phải tăng mua khí LNG của Mỹ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu của Nga từ tháng 1 đến tháng 8, bao gồm cả khí LNG đã giảm 39 tỷ m3. Trong khoảng thời gian này, việc nhập khẩu khí LNG từ Mỹ cũng tăng gần 80%. Trong khi đó, các chuyên gia năng lượng từ công ty nghiên cứu Kpler vào tháng này đã cảnh báo, việc thay thế khí đốt nhập khẩu của Nga bằng khí LNG sẽ làm chi phí năng lượng của EU tăng vọt. Khác với khí đốt cung cấp qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến chi phí cao hơn gấp nhiều lần.
Việc EU tăng mua khí LNG gây khó cho các nước đang phát triển, vì các nước này buộc phải cạnh tranh về giá với các quốc gia giàu có hơn.
EU dự kiến sẽ bàn bạc về các biện pháp áp giá trần khí đốt trong ngày 24/11 tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với người tiêu dùng. Trước đó, ngày 22/11, bà Kadri Simson thông báo EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh (283 USD/MWh). Phát biểu tại họp báo ở Strasbourg (Pháp), bà Simson cho biết cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá LNG toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Bà Kadri Simson cho rằng, việc áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh có thể không giúp hạ nhiệt giá khí đốt. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ cung cấp công cụ mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng khi cần, bổ sung cho những nỗ lực cơ cấu hơn nhằm giảm giá khí đốt.
Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Moskva đã cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt cho khối này, trong khi nhập khẩu năm nay dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 60 tỷ m3.
Theo: LNG.VN