Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp tổ chức mới đây, đại diện các cơ quan, đại biểu đã đưa ra các giải pháp để ưu tiên phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng, trong đó tập trung về cơ sở hạ tầng, đàm phán ký kết nhập khẩu khí này một cách bền vững…
ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ TRÊN BỜ, NGOÀI KHƠI VÀ NHIỆT ĐIỆN KHÍ TRONG NƯỚC
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả điện từ năng lượng tái tạo, cần phát triển tới 24.500 MW điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.
Điện khí được coi là không thể thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang ít phát thải carbon. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nhập khẩu và tiêu thụ khí LNG” và “Tập trung phát triển nhiệt điện LNG, từng bước đưa các dự án điện khí LNG trở thành nguồn cung cấp điện quan trọng, hỗ trợ điều độ hệ thống điện”.
Sự linh hoạt về công suất của điện khí hết sức cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ công suất điện năng lượng tái tạo gia tăng. Tuy nhiên, giá điện khí LNG khá cao và phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có giải pháp trong đàm phán trong ký kết nhập khẩu khí LNG một cách bền vững. Bởi chỉ có hợp đồng mua dài hạn mới có thể tránh được các rủi ro về giá cả do các xung đột địa chính trị trên thế giới gây ra.
Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cho biết, hiện nay, Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết nhập khẩu LNG; Chưa có khung biểu giá điện khí LNG, tỷ lệ bao tiêu và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG; an toàn trong hoạt động, vận chuyển, bốc dỡ, lưu trữ nhiên liệu khí LNG.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, điện khí LNG là dạng chuỗi nhiên liệu, gồm nhiều mắt xích liên kết, trong đó khâu cảng và kho tồn trữ rất quan trọng, đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Việc chia nhỏ quy mô các địa điểm điện khí LNG sẽ làm giảm hiệu quả dự án. Do vậy, cần có những giải pháp để khắc phục bất cập trên.
Đưa ra quan điểm về đàm phán với các nước trong việc nhập khẩu khí LNG, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Hiện nay, việc đàm phán PPA còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn tỷ lệ cam kết sản lượng điện hợp đồng cao để quản lý rủi ro ít được huy động trên thị trường điện khi giá khí liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua.
Ông Phạm Quang Huy cho rằng, theo quy định hiện hành, sản lượng điện hợp đồng của các nhà máy điện nằm trong khoảng 60% tới 100% tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên. Việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư, trong khi EVN chỉ thực hiện đàm phán sản lượng điện hợp đồng theo nhu cầu thực tế của hệ thống và giá điện của nhà máy. Việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khi có thể thực hiện bằng cách mua khí theo hợp đồng dài hạn nhưng luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng khí. Đây cũng là một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua và cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đề cập về cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn, ông Nguyễn Hải Phú – Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 cho biết: Hiện nay, có 2 loại nhiên liệu khí phổ biến dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp là khí tự nhiên khi đồng hành và khí tái hoá từ nhiên liệu lỏng LNG được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện khí.
Theo ông Nguyễn Hải Phú, các nhà máy điện khí thường được xây dựng theo cụm và có quy mô công suất lớn đến hàng nghìn MW. Nhà máy điện khí với yêu cầu diện tích nhỏ, sử dụng công nghệ tuabin khí với tốc độ khởi động, tăng giảm tải nhanh chóng, phát thải khí nhà kính thấp, nhiên liệu sạch và tương đối thân thiện với môi trường là những ưu thế và phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện, nhất là đối với hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn như điều kiện tại Việt Nam. Nguồn nhiên liệu cung cấp đến các tổ máy tuabin khí thông thường được thiết kế dẫn bằng hệ thống đường ống cung cấp khí. Đối với các nhà máy điện khi sử dụng loại nhiên liệu LNG cần đầu tư thêm hệ thống hạ tầng nhập khẩu cũng như tái hóa LNG bao gồm: Bến cảng nước sâu, các bồn chứa LNG, hệ thống tái hoá khí LNG, đường ống khí kết nối từ kho cảng LNG đến các tổ máy, nhà máy điện khí.
Để lựa chọn vị trí địa điểm phù hợp cho nhà máy điện khí LNG cần phải xem xét đưa ra các giải pháp thiết kế mang tính khả thi với chi phí chấp nhận được để so sánh lựa chọn tìm ra địa điểm tối ưu. Hiện tại, hạ tầng kết nối – vận chuyển nhiên liệu khí tại Việt Nam không có khả năng hỗ trợ liên kết kết nối giữa các địa điểm hay vùng miền. Do vậy, việc lựa chọn địa điểm xây dựng chuỗi khí – điện cần thiết phải xem xét đến giới hạn về quy mô công suất cũng như tiềm năng cung cấp khi từ vị trí địa điểm cho các hộ tiêu thụ khác để tăng hiệu quả kinh tế khi đầu tư hạ tầng kho cảng LNG. Ngoài ra, cần có tính toán tổng hợp chênh lệch giữa các địa điểm về chi phí đầu tư giữa truyền tải điện với chi phí đầu tư trung chuyển lng hoặc đầu tư đường ống dẫn khí để tìm ra địa điểm phù hợp.
Nguồn: LNG.VN