Năm 2023, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã chứng khoán: GAS) sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh khí linh hoạt, hiệu quả để ứng phó với những bất lợi trên thị trường khí thế giới và trong nước.
Theo PV GAS, năm 2023, giá năng lượng trên thế giới dự kiến tiếp tục neo ở mức cao. Đặc biệt, giá khí tự nhiên LNG tăng đột biến do các nước châu Âu tăng cường nhập khí từ các nước để bổ sung sản lượng thiếu hụt do lệnh hạn chế nhập khí từ Nga. Trong khi đó, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí giá rẻ từ hệ thống Nam Côn Sơn 1, thay thế vào đó là nguồn khí có giá cao (Thiên Ưng, Đại Hùng, SV-ĐN, PM3 Cà Mau) chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, sự phát triển nóng, mất cân đối của các loại hình năng lượng tái tạo tiếp tục làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu và cơ cấu năng lượng trong nước. Nhu cầu LNG cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định gây khó khăn cho việc xác định khối lượng LNG nhập khẩu trong ngắn và trung hạn. Ở trong nước, thị trường kinh doanh khí hóa lỏng LPG có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung; giá LPG biến động thất thường khó dự đoán, rủi ro kinh doanh liên quan đến giá khá cao.
Mặt khác hoạt động sử dụng trái phép thương hiệu PETROVIETNAM GAS vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh LPG của PVGAS. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng sửa chữa cho các công trình khí ngày một lớn, làm tăng giá thành các sản phẩm khí. Để vượt qua các khó khăn này, PV GAS tập trung bảo dưỡng sửa chữa, vận hành tối ưu các hệ thống khí; kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hệ thống thiết bị luôn sẵn sàng cung cấp khí, sản phẩm khí tối đa cho các khách hàng.
Bên cạnh đó, PV GAS tăng cường phân tích, dự báo thị trường để đưa ra các quyết định kịp thời trong kinh doanh, phù hợp với diễn biến của thị trường, những biến động chính trị trên thế giới; đa dạng hóa sản phẩm, hộ tiêu thụ. PV GAS xây dựng kế hoạch kinh doanh LPG trên nguyên tắc tiêu thụ toàn bộ hiệu quả sản lượng sản xuất tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) và Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau), sản lượng LPG bao tiêu và tiêu thụ tối đa của Công ty Lọc dầu Bình Sơn (BSR) và sản lượng LPG xuất nhập khẩu. Để đảm bảo nguồn khí với giá hợp lý, giải pháp tưng cường nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn khí mới bổ sung cho nguồn khí thiếu hụt trong nước, tham gia đầu tư thượng nguồn khi có điều kiện và đảm bảo hiệu quả sẽ được PV GAS tập trung triển khai trong năm 2023 này. PV GAS cũng chủ động xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các chính sách về cước phí và giá khí phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh; nghiên cứu các quy chế, quy định, quy chuẩn, định mức của ngành công nghiệp khí để kiến nghị các cấp thẩm quyền đưa thành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm cơ sở thực hiện.
Năm 2022, PV GAS đã cung cấp trên 7,7 tỷ m3 khí khô (bằng 87% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2021), trên 100 nghìn tấn khí ngưng tụ condensate (bằng 155% kế hoạch, về đích trước kế hoạch 5 tháng), gần 2,1 triệu tấn LPG (bằng 122% kế hoạch, tăng 3% so với năm 2021, về đích trước kế hoạch 2 tháng). PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất trên 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Với việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh như vậy, tổng doanh thu của PV GAS đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt trên 16,6 nghìn tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch và tăng 49% so với năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 7,2 nghìn tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch và tăng 14% so với năm 2021. Chỉ số ROA đạt trên 15%, ROE đạt trên 22%; Tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao 25%/vốn điều lệ. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần 2022 vào ngày 19/1 vừa qua, giá cổ phiếu GAS đã tăng 0,19% và đóng cửa ở mức 104.500 đồng/cổ phiếu. Tính chung cả năm 2022, thị giá GAS giảm 2,92%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 130.442 đồng/cổ phiếu (ngày 17/6) và giá đóng cửa thấp nhất là 92.478 đồng/cổ phiếu (ngày 16/5).
Nguồn: LNG.VN