Các cơ sở cho dự báo khí LNG năm 2023:
Đầu tháng 10/2022, IEA đã công bố báo cáo Gas Market Report, Q4-2022 (GMR): Theo ấn phẩm này, việc Nga tiếp tục cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu đã đẩy giá quốc tế lên mức cao mới, làm gián đoạn dòng chảy thương mại, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng ở một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Báo cáo GMR tập trung vào một số dự báo điểm, cũng như nhấn mạnh thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% vào năm 2022 do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu và nhu cầu không thay đổi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tiêu thụ khí đốt toàn cầu được dự báo chỉ tăng 0,4% trong năm tới, nhưng không chắc chắn.
Trong tờ báo mang tên Commodity Markets Outlook (Triển vọng thị trường hàng hóa), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Chiến sự diễn ra tại Ukraine đang làm gián đoạn thương mại năng lượng. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào Nga để nhập khẩu khí đốt tự nhiên và than đá. Để đối phó, EU đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga (bắt đầu từ tháng 8/2022) và cam kết giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm nay, việc chuyển hướng khí đốt tự nhiên thậm chí còn hạn chế hơn do thiếu cơ sở hạ tầng giao thông (70% lượng xuất khẩu của Nga sang châu Âu là bằng đường ống).
Ngoài ra, EU còn có kế hoạch chuyển sang các nhà cung cấp LNG khác thay chân Nga và phục vụ mục tiêu xây dựng lại kho dự trữ cạn kiệt, cũng như đa dạng hóa các nhà cung cấp. Hàng tồn kho đã tăng nhanh trong vài tháng qua, mặc dù vẫn thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm.
Các nước EU còn tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng bổ sung để tạo thuận lợi cho thương mại LNG. Chẳng hạn như xây dựng các cảng – kho mới và tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo. Các chính sách năng lượng ở châu Âu có tác động lan tỏa lớn đến các quốc gia khác. Ví dụ: Việc EU nhập khẩu LNG tăng đã buộc các quốc gia khác phụ thuộc vào LNG, đặc biệt là các thị trường mới nổi ở châu Á, chuyển sang sử dụng than đá. Thị trường LNG toàn cầu được dự đoán sẽ tăng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn dự báo (từ năm 2022 đến năm 2028). Vào năm 2020, thị trường tăng trưởng với tốc độ ổn định khi các công ty chủ chốt áp dụng chiến lược mới, nên dự kiến thị trường sẽ tăng trong ngắn hạn.
Đầu tháng 10/2022, Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley đã nâng dự báo giá khí LNG 2023 – 2024 do nhu cầu của EU tăng mạnh khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu về nguồn cung nóng lên. Lục địa này sẽ phải đối mặt với tình trạng giá lạnh ngay cả khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt ở mức tối thiểu, nhưng cuộc khủng hoảng nguồn cung thực sự có thể xảy ra vào năm tới. Châu Âu thậm chí sẽ cần nhiều LNG hơn để thay lượng khí đốt của Nga vào mùa hè tới khi lục địa này sẽ bổ sung thêm kho dự trữ, trong khi nhu cầu của Trung Quốc cũng phục hồi sau các đợt phong tỏa Covid-19 để bù đắp cho lượng nhập khẩu thấp từ những người mua châu Á khác.
Theo Morgan Stanley: Giá LNG châu Á trung bình là 39,50 USD/MMBTU vào năm tới, tăng gần một phần ba so với mức 30 USD như trước đây.
Dự báo giá năm 2024 tăng 57% lên 34,50 USD, trong khi đó dự báo ngắn hạn không thay đổi. Châu Âu đã nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục trong năm nay sau khi giá tăng vọt so với giá ở châu Á, giúp chuyển hướng vận chuyển khí. Cùng với việc mùa sưởi ấm bắt đầu nhẹ hơn và nhu cầu của các ngành công nghiệp giảm, khiến khu vực này lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông năm nay tới 90%.
Cũng theo Morgan Stanley: Năm tới, nhu cầu LNG của châu Âu có thể tăng gần 50 triệu tấn. Trung Quốc có thể cần thêm 10 triệu tấn, nhu cầu tăng 14%, sẽ bù đắp một phần lượng mua thấp hơn từ một số nhà nhập khẩu châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đang gấp rút thay thế khí đắt tiền trong sản xuất điện bằng các giải pháp dùng than và hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tín hiệu giá nào mà châu Âu gửi tới các nhà cung cấp LNG vào năm tới khi các quan chức của khu vực đang thảo luận về việc có nên thực hiện giới hạn hay không, bên cạnh các cuộc thảo luận về tương lai của các tiêu chuẩn của lục địa.
Dự báo giá khí LNG ở châu Âu và Mỹ:
1/ Giá LNG ở châu Âu:
Trong một báo cáo đưa ra đầu tháng 11/2022, Ngân hàng Goldman Sachs (GS) dự báo: Giá khí tự nhiên tại châu Âu có thể giảm 30% trong vài tháng tới, khi các quốc gia trong khu vực tạm thời kiểm soát được vấn đề nguồn cung. Theo GS, vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 10/2022, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu giảm còn chưa đầy 115 Euro/MWh. Goldman Sachs dự báo giá sẽ tiếp tục giảm, về mức 85 Euro/MWh vào quý 1/2023. Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, đó sẽ là một thay đổi lớn so với những gì diễn ra hồi tháng 8/2022. Ở thời điểm đó, do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine và căng thẳng giữa Moscow với EU xung quanh cuộc chiến này, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên mức cao chưa từng có trên 340 Euro/MWh). Theo GS: Có nhiều yếu tố khiến giá khí đốt ở châu Âu hạ nhiệt, chẳng hạn như dự trữ khí đốt của châu Âu cho mùa đông năm nay về cơ bản đã đầy. Ví dụ: Theo dữ liệu chính thức của Đức (tính đến ngày 10/11), kho chứa khí đốt dự trữ của quốc gia này đã đầy 99,95%. Ngoài ra, nhiệt độ trong mùa thu này không lạnh như dự báo trước đó, nên nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong khu vực chưa tăng mạnh và nguồn cung LNG đang dôi dư.
Giá khí đốt ở châu Âu trong ngắn hạn sẽ nghiêng về giảm và nhờ đó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong khu vực sẽ bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trong trung hạn, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục đối mặt sức ép lớn trong việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. “Chúng tôi dự báo giá khí đốt sẽ tiếp tục giảm về mức 85 Euro/MWh trong quý 1/2023, trước khi tăng mạnh trở lại vào mùa hè, khi châu Âu phải xây dựng dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo” – Báo cáo của Goldman Sachs cho hay.
Theo hãng tin CNBC: Có một số nguyên nhân có thể dẫn tới việc giá khí đốt tăng mạnh trở lại sau quý 1/2023. Chẳng hạn như nguồn cung LNG toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ tăng thêm rất ít, hay sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nên nhập khẩu LNG của quốc gia này sẽ tăng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới (năm 2021), nhưng do chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid khiến kinh tế Trung Quốc sụt tốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ lại tăng mạnh và các nhà nhập khẩu từ châu Âu sẽ phải trả mức giá cao hơn để mua được những lô LNG như mong muốn.
2/ Giá LNG ở Mỹ:
Trong bối cảnh giá cao, xuất khẩu LNG của Mỹ tăng vọt. Xuất khẩu của LNG của Mỹ sang EU và Vương quốc Anh đã tăng hơn gấp ba lần so với năm ngoái, do đó châu Âu chiếm khoảng 3/4 lượng xuất khẩu LNG của Mỹ trong nửa đầu năm 2022. Sự gia tăng xuất khẩu LNG của Mỹ phản ánh giá giao ngay cao của khí đốt tự nhiên châu Âu so với giá của cả Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, xuất khẩu LNG của Mỹ gần đây đã giảm do một vụ nổ tại một kho cảng LNG lớn. Sự gián đoạn nguồn cung này dự kiến sẽ kéo dài.
Theo dự báo ngắn hạn của EIA công bố đầu tháng 11/2022: Giá khí đốt tự nhiên chuẩn từ mỏ Henry Hub sẽ ở mức trung bình gần 5,50 USD/MMBtu vào tháng 11/2022, trước khi tăng lên hơn 6 USD/MMBtu vào tháng 12 và quý 1/2023. Giá khí đốt tự nhiên thường tăng trong những tháng mùa đông khi thời tiết lạnh, nhưng dựa trên dự báo thời tiết hiện tại từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, dự báo của EIA giả định biến động mùa đông ít tuy vẫn có thể xảy ra và dựa vào việc nạp đầy kho lưu trữ với tốc độ nhanh hơn dự kiến trước mùa đông, nên EIA đã giảm giá khí đốt tự nhiên giao ngay cho thời gian còn lại của năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023.
Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB): Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ có thể ở mức trung bình 5,20 USD/MMBtu vào năm 2022, 4,80 USD vào năm 2023 và 4,20 USD vào năm 2024. WB còn dự kiến giá khí đốt ở châu Âu sẽ giao dịch ở mức 34 USD/MMBtu vào năm 2022, 25 USD vào năm 2023 và 22,3 USD vào năm 2024. Đối với LNG, WB dự đoán nó sẽ ở mức trung bình 19 USD/MMBtu vào năm 2022, giảm xuống còn 14 USD vào năm 2023 và 13,3 USD vào năm 2024. Do biến động giá trên thị trường năng lượng, nên không có nhà phân tích nào đưa ra dự báo giá khí đốt tự nhiên dài hạn sau năm 2024.
Nguồn: cncdgas.vn