Để đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, việc hoàn thiện khung pháp lý được Bộ Công Thương xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.
Thời gian qua, ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trong giai đoạn 2010-2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,7% xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, chiếm tỉ trọng 2,3%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỉ trọng của năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm từ 16,1% năm 2010 xuống còn 8,2% trong năm 2020.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả” tổ chức ngày 25/8, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Công Thương) thông tin hiện cả nước có mạng lưới 54 kho khí đốt hóa lỏng (LPG) đầu mối và tuyến sau trải dài khắp 3 miền đã đảm bảo kênh phân phối LPG hoạt động trơn tru, không bị đứt gãy nguồn cung khi xảy ra các sự cố.
Mặt khác, 26 doanh nghiệp đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu, phân phối khí đã tăng tính cạnh tranh của hệ thống cung ứng khí đốt, tạo nên thị trường sôi động, lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh khí ở Việt Nam.
Nhiều khó khăn trong vận chuyển, lưu trữ LPG
Hiện nay, LPG ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho dân dụng hoặc cho ngành công nghiệp (công nghiệp xử lý thực phẩm, làm giấy, hạt nhựa, chất nổ, chất làm lạnh…), các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng LPG trong công nghệ hóa dầu. Điều này dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng từ các tàu có trọng tải lớn còn hạn chế.
Bên cạnh đó hệ thống kho LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) là bồn chứa LNG ở nhiệt độ âm (bể chứa LNG thiết kế ở nhiệt độ âm 170 độ C), công nghệ và thiết bị phức tạp, còn mới, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành, vốn đầu tư lớn. Tàu vận tải LNG thông thường có dung tích lớn, đòi hỏi phải có các cảng nước sâu để tiếp nhận tàu LNG. Đây cũng là khó khăn khi xây dựng kho LNG tại Việt Nam. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch do thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Thị trường chưa minh bạch
Ông Đỗ Trọng Hiếu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, còn tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ khí, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.
Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị hủy hoại trái phép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh. Một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động trên thị trường nhưng chưa được điều chỉnh trong Nghị định; một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí.
Quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu LPG chai… gây mất an toàn cho người tiêu dùng và tạo sự bất ổn trên thị trường khí.
Nguồn cung khí nội địa đang suy giảm
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nêu thực trạng nguồn cung khí nội địa đang suy giảm (còn 7 tỷ m3 vào năm 2025), nhu cầu ngày càng tăng cao lên đến hơn 20 tỷ m3 vào năm 2030. Vì vậy, nhập khẩu khí LNG là xu hướng tất yếu để phục vụ nhu cầu của thị trường. Theo đánh giá, sau gần 20 năm khai thác (từ năm 2018), các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm dần, trong khi nguồn khí bổ sung từ các mỏ mới tại các khu vực có nguồn khí suy giảm không nhiều.
Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước, cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5 – 4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5 – 5 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.
Ông Nguyễn Thanh Bình dự báo nguồn cung khí cho thị trường Việt Nam trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, khách hàng điện và công nghiệp có xu hướng chuyển từ tiêu thụ khí nội địa sang khí nhập khẩu khi nguồn cung cho sản xuất LPG trong nước có xu hướng giảm.
Để hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng để đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, việc hoàn thiện khung pháp lý được Bộ Công Thương xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.
Bên cạnh đó, thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo lập hệ thống phân phối khí gắn kết, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước những biến động thị trường của các mặt hàng năng lượng quốc tế và tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, đảm bảo phát triển bền vững thị trường khí của Việt Nam trong thời gian tới.
Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật; ngăn chặn, phòng chống những hành vi tiêu cực, gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh khí, nhất là trong hoạt động kinh doanh LPG chai. Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Vụ Thị trường trong nước cho rằng cần hướng đến xây dựng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh LPG chai theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh LPG chai và chai LPG nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng chai LPG, chiết nạp LPG lậu và cung cấp LPG chai giả.
Do đó, cần có định hướng mở rộng và xây mới kho LPG để nhập khẩu LPG đủ cho nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và các khách hàng dân dụng tại các vùng cung ứng bảo đảm nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng từ khoảng 5%; xây mới và mở rộng kho LNG hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp và dân dụng.
Theo: cncdgas.vn