Ngày 10/7 vừa qua, kho cảng LNG Thị Vải tiếp nhận thành công tàu Marau Gas Achilles (Hy Lạp) chở 70.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cập cảng Vũng Tàu. Đây là chuyến tàu LNG đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, trong một nỗ lực thực hiện Quy hoạch điện VIII, theo đó đến năm 2030 Việt Nam có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% nguồn điện của cả nước, với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh. Cũng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 13 nhà máy điện khí LNG, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sự kiện trên cũng sẽ diễn ra ở Bình Thuận trong vài năm nữa, khi ngày 11/7 vừa qua UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho dự án kho cảng LNG tại Sơn Mỹ (Hàm Tân), với công suất 3,6 triệu tấn khí LNG/năm (giai đoạn 2 lên tới 6 triệu tấn), để cung cấp cho các nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2. Dự kiến dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2027 (giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2030), tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD (tương đương 31.000 tỷ đồng).
Điện khí LNG giá thành cạnh tranh hơn so với than, dầu, thân thiện hơn với môi trường và ít chịu ảnh hưởng thời tiết hơn so với thủy điện, nên sẽ là một lựa chọn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo các cam kết quốc tế. Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã về Bình Thuận dự lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (diện tích 1.070 ha). Tới nay, khu công nghiệp này đã thu hút được 3 dự án gồm: Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ 1 (tổng công suất 2.250 MW, vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, tiến độ dự kiến năm 2021 – 2028); dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ 2 (tổng công suất 2.250 MW, vốn đầu tư 2,1 tỷ USD, tiến độ dự kiến 2023 – 2028) và dự án kho cảng nhập khí LNG Sơn Mỹ kể trên. Đây là dự án trọng điểm để triển khai các dự án thành phần khác trong chuỗi các dự án khí-điện Sơn Mỹ.
Bình Thuận tới nay đã có khoảng 48 nhà máy điện đang phát điện thương mại, bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, công suất tương đương 6.794 MW. 2 dự án điện khí Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 đang triển khai, với tổng công suất lắp đặt 4.500 MW (ngoài ra có 8 dự án điện gió ngoài khơi do các nhà đầu tư đăng ký và dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà 3.600 MW tỉnh xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII). BQL các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận dự báo: khi tổ hợp dự án khí – điện Sơn Mỹ hoạt động, sẽ góp phần sớm hình thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia tại Bình Thuận (theo định hướng của Bộ Chính trị), kéo theo nhiều dự án khác liên quan đến ngành dầu khí như: kho xăng dầu, kho chứa Hydrogen, sản xuất cánh quạt gió, thiết bị năng lượng tái tạo… tạo điều kiện thu hút và lấp đầy dự án các KCN Sơn Mỹ 1 và KCN Sơn Mỹ 2, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Hàm Tân – La Gi và khu kinh tế phía Nam.
Như vậy, cùng với du lịch, kết quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng của Bình Thuận là rất đáng kể. Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã xác định: thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG.
Nguồn: LNG.VN