Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) chưa có chủ đầu tư, các địa phương cần tiếp tục khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định, hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/8/2023. Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng tại cuộc họp với lãnh đạo 12 tỉnh/thành phố có 13 dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án, cũng như phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng liên quan, muộn nhất trong tháng 10/2023, các địa phương cần hoàn thành việc lựa chọn các nhà đầu tư dự án theo quy định. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thống nhất đề ra một số mốc tiến độ cần đạt được của từng dự án trong thời gian tới, như: thời điểm hoàn thành chỉnh sửa và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); thời điểm ký hợp đồng EPC và khởi công dự án; thời điểm hoàn thành thi công, đưa dự án vào vận hành… làm căn cứ cho các đơn vị chức năng giám sát, đôn đốc và kiểm điểm tiến độ thực hiện.
Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương cần chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng lập tiến độ thực hiện dự án với các nội dung công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành và ký cam kết thực hiện đúng tiến độ để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra và xem xét xử lý trách nhiệm nếu không bảo đảm tiến độ theo quy định.
Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo tiến độ; kịp thời giải quyết dứt điểm hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính…), không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm các hành vi gây chậm tiến độ và các vi phạm khác với chế tài cao nhất; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Trước những đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; môi trường; hạ tầng truyền tải; thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện…, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết theo quy định của Nhà nước – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Nguồn: LNG.VN