Ngày 1/2, Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập thông báo, lần đầu tiên nước này đã xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu.
Theo đó, nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Damietta đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên kể từ khi được hoạt động trở lại vào năm 2021. Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập cho biết, khoảng 4 triệu tấn khí LNG đã được xuất khẩu trong năm 2022, đây là lượng xuất khẩu lớn nhất trong gần 20 năm qua của nhà máy. Việc này đã giúp Damietta trở thành nhà máy hàng đầu của Ai Cập về xuất khẩu khí LNG, đồng thời góp phần củng cố vai trò của Ai Cập như một trung tâm năng lượng ở khu vực Địa Trung Hải. Theo Bộ trên, khoảng 60% tổng số lô hàng từ nhà máy LNG Damietta đã được xuất khẩu sang châu Âu. Nhà máy này đã sản xuất và xuất khẩu thành công lô LNG thứ 500 kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2005. Việc sản xuất tại nhà máy LNG Damietta đã bị tạm dừng trong 8 năm trước khi tiếp tục hoạt động trở lại từ tháng 2/2021.
Nhà máy sản xuất khí LNG Damietta được vận hành từ năm 2021 bởi Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên EGAS và Tập đoàn Năng lượng quốc doanh khổng lồ Eni của Italy.
Tập đoàn Eni đã hoạt động ở Ai Cập từ năm 1954 thông qua công ty con là EOOC, và hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất ở Ai Cập, với tỷ lệ sản xuất hydrocarbon lên tới 350.000 thùng mỗi ngày. Trong năm 2022, Eni đã sản xuất khoảng 60% tổng sản lượng khí đốt của Ai Cập. Năm 2015, Eni đã phát hiện mỏ khí đốt khổng lồ Zohr ở ngoài khơi Địa Trung Hải, cách thành phố Port Said khoảng 190 km về phía Bắc của Ai Cập. Đây là mỏ khí đốt lớn nhất được phát hiện tại Địa Trung Hải. Theo đó, Ai Cập hiện đã có thể tự cung cấp khí đốt và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt trong khu vực.
Theo Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, nước này xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào năm 2022, trị giá khoảng 8,4 tỷ USD. EU hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Sự thiếu hụt thậm chí còn trầm trọng hơn do nhu cầu năng lượng ngày càng cao khi các nền kinh tế châu Âu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Tuy nhiên hiện tại, EU đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong bối cảnh đó, vai trò của Ai Cập được đặc biệt coi trọng, giúp doanh thu xuất khẩu khí đốt của nước này tăng vọt.
Theo: LNG.VN